Làm thế nào để khơi gợi trí tò mò cho học sinh khi học online
Với các học sinh, đặc biệt là học sinh nhỏ tuổi, việc khơi gợi trí tò mò, ham học hỏi từ các em sẽ giúp cho việc học tập và tiếp thu kiến thức hiệu quả hơn. Vậy, trong các tiết học online của mình, các thầy cô giáo cần làm gì để kích thích sự tò mò của học sinh? Dưới đây là một số gợi ý!
1.Khuyến khích các câu hỏi từ học sinh
Khi học online, hãy khuyến khích tất cả các học sinh đặt bất kỳ câu hỏi, chia sẻ bất kỳ thắc mắc của họ với bạn. Tuy nhiên, một điều thường thấy là nhiều học sinh nghĩ rằng việc đặt câu hỏi đồng nghĩa với việc họ thừa nhận sự thiếu hiểu biết của mình. Điều này khiến họ e ngại đưa ra câu hỏi trước lớp học online, dù trong đầu họ có rất nhiều thắc mắc.
Để giải quyết vấn đề này, giáo viên hãy nhấn mạnh giá trị và tầm quan trọng của các câu hỏi. Một khi câu hỏi được đặt ra và được làm sáng tỏ, nó không chỉ giúp đỡ bản thân học sinh khơi gợi trí tò mò và sáng tạo mà còn giúp đỡ các học sinh khác trong lớp học hiểu sâu hơn về vấn đề.
2.Giáo viên hãy dẫn dắt sự tò mò
Hãy cho học sinh thấy rằng bạn quan tâm và hào hứng với những điều mới mẻ hoặc từ chính những kiến thức mà học sinh đó đang có. Ví dụ, bạn có thể bắt đầu bài giảng bằng việc nói với học sinh rằng bạn không biết nhiều về chủ đề này - nhưng bạn rất hào hứng khi được khám phá kiến thức mới và học tập cùng với các học sinh trong lớp học online.
Với cách làm này, thay vì nghĩ về những gì bạn đang dạy, hãy đặt mình vào vị trí của học sinh và định hình bài giảng của bạn theo cách mà học sinh sẽ học. Hơn nữa, nếu giáo viên mô tả về vấn đề mới bằng sự tò mò và thắc mắc, các học sinh trong lớp học e-learning của bạn sẽ có động lực hơn trong việc tìm kiếm thông tin và tự giải quyết vấn đề được đặt ra.
3.Kết hợp phát triển kỹ năng với các chủ đề thú vị
Nếu bạn đang dạy một kỹ năng, thì hãy cho phép học sinh thực hành kỹ năng đó theo cách riêng của họ. Ví dụ, nếu các học sinh tiểu học đang học cách đo đạc bằng thước cm, hãy khuyến khích học sinh đo đồ chơi yêu thích ở nhà, chụp chúng lại và chú thích các hình ảnh thể hiện chiều dài của chúng. Nếu bạn đang dạy học sinh về các kỹ năng thuyết trình, hãy để học sinh tự nghiên cứu và tự thực hành thuyết trình một chủ đề bất kỳ theo cách của mình.
Như vậy, thay vì nhận kiến thức một cách thụ động, học sinh sẽ chủ động suy nghĩ, tìm tòi và tiếp thu kiến thức bằng cách của họ.
4.Cho học sinh cơ hội được “độc lập”
Trong lớp học trực tuyến, hãy khuyến khích học sinh xem mình là chủ thể nghiên cứu chính trong buổi học. Cụ thể, thay vì tiếp nhận kiến thức chuyên môn của giáo viên một cách thụ động, hãy khuyến khích học sinh học cách tự tìm hiểu mọi vấn đề một cách độc lập. Vậy, vai trò của giáo viên là gì? Các giáo viên sẽ là người giới thiệu các nguồn thông tin, giám sát, hướng dẫn và khơi gợi trí tò mò để học sinh tìm hiểu vấn đề một cách kỹ lưỡng. Đồng thời, giáo viên cũng sẽ là người đưa ra các đánh giá cuối cùng về kết quả làm việc của học sinh.
Đặc biệt, học ở nhà là cơ hội để các học sinh phát huy tối đa cơ hội nghiên cứu, làm việc độc lập của mình.
Với những gợi ý từ Teachmint, hy vọng các thầy cô giáo sẽ có thêm nhiều bí quyết để kích thích sự tò mò và khơi gợi tinh thần ham học hỏi từ các học sinh trong lớp học trực tuyến của mình. Chúc các thầy cô thành công!